Khởi nghiệp cà phê, phê luôn sạt nghiệp
Mấy năm gần đây phong trào khởi nghiệp được cả xã hội quan tâm nhưng khởi nghiệp theo phong trào thì sạt nghiệp cũng lắm. Nhiều nhất là phong trào khởi nghiệp mở quán cà phê, ăn uống của giới trẻ đang rất rầm rộ. Đặc biệt giai đoạn ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, việc làm khó khăn nên phong trào mở quán, sang quán dường như càng "rầm rộ" hơn.
Có nhiều lý do để các bạn trẻ lựa chọn khởi nghiệp quán cà phê, ăn uống như:
- Mở quán cà phê thấy quá đơn giản, dễ làm nên sẽ thử với nó.
- Thấy nhiều người thành công, giàu có với kinh doanh quán cà phê nên nghĩ bản thân sẽ làm được như vậy.
- Cảm thấy đầu tư ít vốn, lợi nhuận hấp dẫn hay được ai đó rủ rê mở quán (bạn bè mời cùng tham dự, hãng cà phê chuyên làm franchise…).
- Phong trào khởi nghiệp đang là trào lưu đầy hấp dẫn nên không tham gia vào trào lưu này xem như bị lạc hậu.
- Quá chán với việc đi làm thuê “ăn cơm chúa, múa tối ngày” nên khởi nghiệp là con đường tự làm chủ đơn giản nhất.
- Có bạn trẻ đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực như chuyên môn, kinh nghiệm, tài quản lý và muốn khởi nghiệp làm chủ, tự chịu trách nhiệm.
Ngành kinh doanh F&B nói chung và mở quán cà phê, ăn uống nói riêng có nhiều “bí mật” mà lắm khi chỉ được “bật mí” khi bạn bị sạt nghiệp. Thật đấy! Bạn biết tại sao không?
Cơ bản là vì hai lý do sau. Một, bạn trẻ quá tự tin với cơ hội thành công, với khả năng bản thân nên không thèm đi học, đi tìm hiểu về sự thực của ngành và ngại tiếp cận người có kinh nghiệm trong ngành. Và hai, nếu được nghe những “bí mật” vào lúc “cơn sóng năng lượng” khởi nghiệp đang quá mạnh mẽ thì những bí mật ấy chẳng có giá trị nào với bạn cả.
“Phê luôn sạt nghiệp khi khởi nghiệp quán cà phê” có tỉ lệ rất cao, hơn 80% quán cà phê “ra đi” ngay trong năm đầu đấy. Có bạn hỏi tôi “em ít khi thấy quán cà phê đóng cửa nên làm gì tỉ lệ thất bại cao vậy”. Tôi trả lời “họ không đóng cửa nhưng họ đã sang qua sang lại vài lần rồi đó em, tức mỗi lần đổi chủ được định nghĩa là một lần sạt nghiệp nhé”.
Tôi thường nói đùa mà thật “bạn trẻ bỏ ra 5 triệu để học về khởi nghiệp quán cà phê, ăn uống thì tiếc rẻ để rồi bỏ ra hàng trăm triệu, bỏ ra công sức và đánh mất niềm tin sau khi sạt nghiệp”. Thực trạng đáng buồn thay!
Tôi có bài viết chia sẻ sẻ kinh nghiệm quản lý tại cafe MiMoSa tại TP Bà Rịa, hy vọng sẽ giúp bạn định hình thêm để giảm nguy cơ “khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn”, câu chuyện như sau.
Có nhận định “kinh doanh dịch vụ cafe, giải khát, ăn uống như chăm con mọn”, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây chỉ là câu nói đùa hoặc nói quá mà thôi, bởi lẽ nhìn qua cách kinh doanh mảng này thì có gì mà phức tạp, có khi là quá đơn giản.
Bằng sự trải nghiệm từ khi xây dựng quán, đến setup và vận hành quán café MiMoSa theo mô hình cafe sân vườn kết hợp với các tiện ích dành cho người kinh doanh (như phòng họp, máy in, hệ thống internet chuẩn cáp quang, máy phát điện …) trên diện tích gần 1.000m2 thì bản thân tôi thừa nhận câu nói trên không phải là nói quá mà đó là sự thật.
Hỏi: Kinh doanh mảng này điều gì là vất vả nhất? Và tại cafe MiMoSa giải quyết nó như thế nào?
Trả lời:
Mảng nào cũng vậy, nhân sự là yếu tố sống còn, con người có thể là tài sản mà cũng có thể là tiêu sản cho người chủ, nó phụ thuộc nhiều vào khả năng quản lý.
Nhân sự ở mảng này có đặc điểm chung là thường chỉ xem đây là công việc tạm thời, đó là tâm lý chung dù rằng quán cafe có bài bản, chính sách nhân sự quy củ thế nào đi nữa. (Bạn hãy thử tìm hiểu lý do của tâm lý này và cùng chia sẻ nhé).
Chính vì người làm có ý thức tạm thời nên mức độ thay đổi nhân sự ở đây cực lớn, chi phí tuyển dụng & đào tạo vì thế cũng tăng theo và nhất là dễ bị tình trạng bị động về nguồn lực như thiếu nhân sự. Bạn hãy để ý xem nhân sự quán cafe có thay đổi xoành xoạch không.
Biết rõ điều này, café MiMoSa đưa ra giải pháp như sau:
1. Có chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển nhân sự rõ ràng, bài bản chia làm 2 dạng nhân sự chính thức (ký hợp đồng lao động) và nhân sự bán thời gian (không ký hợp đồng) với chế độ lương thưởng, thời gian làm việc khác nhau theo hướng rất tốt cho nhân sự chính thức.
2. Phát triển nhân sự theo kim chỉ nan: lương tốt nhất - người tốt nhất. Cafe MiMoSa cam kết với toàn thể nhân sự là lương thưởng theo năng lực và luôn tốt nhất thị trường, thực tế, cafe MiMoSa có chính sách lương dành cho nhân viên chính thức cao hơn từ 20 - 50% với mức chung của thị trường tỉnh BRVT.
3. Luôn luôn có nguồn ứng viên kịp thời khi xảy ra biến động: bằng việc tạo dựng dữ liệu người xin việc.
4. Tạo liên minh - liên kết với các quán cafe khác, hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề nhân sự. Tôi đã chủ động đặt mối quan hệ với nhiều quán café và rất thân thiết với 2 quán café lớn tại Bà Rịa này là cafe Táo Khuyết và cafe Ken. Có liên minh này có 2 điểm lợi, một là, khi cần nhân lực cả 3 quán cùng tuyển dụng hoặc các quán hỗ trợ nhân lực với nhau, hai là, có thông tin rõ ràng về nhân lực của thị trường hơn, nếu một quán trong liên minh xa thải nhân sự nào thì tất cả sẽ không tiếp nhận nhân sự đó.
Hỏi: Mảng này điều gì là khó khăn nhất? Cafe MiMoSa giải quyết nó như thế nào?
Trả lời:
Thu hút và giữ chân khách hàng là nhiệm vụ khó khăn nhất.
Một ngành nghề vừa sản xuất (chế biến ra sản phẩm) vừa làm dịch vụ (phục vụ khách hàng) thì công tác trên khó khăn hơn bội phần.
Theo nghiên cứu thì công thức để một quán café kinh doanh thành công là:
+ Vị trí địa lý thuận lợi với mức chi phí & thời gian thuê mướn hợp lý với dự án kinh doanh.
+ Dịch vụ khách hàng.
+ Chất lượng sản phẩm: thức uống/thức ăn.
+ Kiến trúc, không gian.
+ Mối quan hệ của người chủ, người quản lý và thương hiệu của quán.
Để kinh doanh thành công mảng này phải là sự kết hợp hoàn hảo các nhân tố trên, đặc biệt là 3 yếu tố đầu tiên chiếm đến hơn 90% sự thành công.
Thu hút khách hàng đã là việc khó, còn giữ được còn là cả nghệ thuật phức tạp hơn nhiều. Khi bước vào kinh doanh nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy mình bỏ ra tiền trăm triệu đến tiền tỷ mà bị một người dùng ly cafe 15.000 “càm ràm”, nếu bạn không có khả năng chịu đựng cảm giác đó thì hoặc là không đầu tư mảng này, hoặc phó mặc cho quản lý xử lý các tình huống trên.
Tại cafe MiMoSa chúng tôi luôn tìm cách sáng tạo để xây dựng cho mình hình ảnh “chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt” với sự chu đáo, ý thức của từng cá nhân, từ người bảo vệ, phục vụ, thu ngân, pha chế đến người tạp vụ. Người MiMoSa ghi nhớ rõ 4 điều cơ bản của sự nghiệp phục vụ và vận dụng nó hàng ngày vào công việc của mình. Điều đó chính là việc thu hút và giữ khách hàng bền vững nhất.
Ngoài ra có nhiều phương pháp khác nhau để thu hút khách hàng như:
+ Tặng phiếu coupon.
+ Liên kết với đối tác có sản phẩm liên quan.
+ Tặng thẻ VIP tích điểm cho khách hàng hiện hữu.
+ Tăng tiện ích cho khách hàng khi đến với quán.
+ ...
Và đặc biệt, cafe MiMoSa sử dụng phần mềm quản lý quán cà phê Dân Trí Soft để quản lý khoa học, kiểm soát chặc chẽ và hơn nữa quản lý được thông tin thẻ VIP và lịch sử mua hàng để chăm sóc khách hàng tốt hơn.
P/s: bài viết theo quan điểm và trải nghiệm kinh doanh của tác giả và rất mong nhận được chia sẻ thêm ở bình luận bên dưới nhé, chân thành cảm ơn.
*** P/s: bài viết "Khởi nghiệp cà phê, phê luôn sạt nghiệp" được trích đăng tại sách "Khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn" trong chuyện mục Khởi nghiệp thực tiễn.
P/s: bài viết theo quan điểm và trải nghiệm kinh doanh của tác giả và rất mong nhận được chia sẻ thêm ở bình luận bên dưới nhé, chân thành cảm ơn.
Quán cafe MiMoSa Bà Rịa vào năm 2015
*** P/s: bài viết "Khởi nghiệp cà phê, phê luôn sạt nghiệp" được trích đăng tại sách "Khởi nghiệp ngay - sạt nghiệp luôn" trong chuyện mục Khởi nghiệp thực tiễn.
TP Hồ Chí Minh tháng 06/2017
Cao Trung Hiếu - nguyên sáng lập Cafe MiMoSa Bà Rịa từ năm 2013
Cao Trung Hiếu - nguyên sáng lập Cafe MiMoSa Bà Rịa từ năm 2013
Hiện là sáng lập & điều hành Dân Trí Soft từ năm 2015
www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Đăng nhận xét